Viêm lợi chân răng – căn bệnh rất phổ biến đối với cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thường ngày.
Mục Lục
Viêm lợi chân răng là tình trạng như thế nào?
Như thế nào là lợi khỏe?
Trước khi tìm hiểu về căn bệnh viêm lợi chân răng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tình trạng lợi như thế nào được đánh giá là khỏe mạnh. Theo các bác sĩ chuyên ngành răng hàm mặt, người sở hữu lợi khỏe mạnh thường có các đặc điểm sau:
- Lợi có màu hồng nhạt.
- Lợi không sưng, không chảy máu, không bị đau khi ăn nhai.
- Hơi thở thơm tho, không bị hôi miệng.
- Không bị viêm loét, đau mãn tính hay cấp tính ở niêm mạc miệng.
- Quanh cổ răng không có vôi răng và mảng bám đóng nhiều.
- Không có răng bị lung lay.
- Các răng không bị trồi lên và dài ra do nướu bị tụt xuống làm lộ cổ răng và một phần chân răng.
- Không có túi mủ, túi nha chu, làm nhồi nhét thức ăn.
Nếu tình trạng lợi của bạn vẫn đảm bảo được các yếu tố trên, bạn có thể yên tâm vì lợi của bạn hiện đang rất khỏe mạnh.
Định nghĩa viêm lợi chân răng
Viêm lợi chân răng là bệnh viêm phát sinh ở lợi chân răng. Theo thống kê của các nhà khoa học năm 2015, hiện có khoảng 538 triệu người trên toàn thế giới bị mắc căn bệnh này. Đặc biệt, tại Mỹ có gần 50% người trên 30 tuổi bị ảnh hưởng ở một mức độ nhẹ và khoảng 70% người trên 65 tuổi có mắc bệnh này. Ngoài ra, theo nghiên cứu, viêm lợi chân răng ảnh hưởng đến nam giới bị thường xuyên hơn nữ giới
Căn bệnh này về lâu dài có thể phát triển thành bệnh viêm lợi dạng phì đại làm cho lợi răng phì đại, nếu vẫn không được điều trị sẽ dẫn đến các bệnh nặng hơn về răng miệng như viêm nha chu và có thể sẽ mất răng vĩnh viễn. Có thể bạn không biết rằng viêm nha chu chính là biến chứng nặng của viêm lợi, tập hợp các tình trạng viêm ảnh hưởng đến các mô xung quanh răng.
Phương pháp điều trị viêm lợi chân răng đơn giản và được khuyến khích áp dụng bởi các nha sĩ chính là chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng tại nhà và khám tổng quát, vệ sinh răng chuyên nghiệp tại nha khoa thường xuyên. Trong một số trường hợp nặng hoặc đặc biệt, bác sĩ sẽ khuyến nghị sử dụng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật nha khoa để điều trị.
Các triệu chứng khi bị viêm lợi
Việc nhận biết các triệu chứng khi bị viêm lợi rất quan trọng, đặc biệt là khi viêm lợi chảy máu chân răng, để có thể nhanh chóng điều trị. Nếu bạn nhận thấy có một trong các dấu hiệu dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ để được khám kỹ hơn và có phương pháp điều trị phù hợp:
- Lợi có màu đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm.
- Có mảng bám răng, cao răng.
- Mép lợi tròn tù.
- Lợi bị sưng đỏ hoặc phì đại.
- Chân răng lỏng.
- Dễ bị chảy máu.
- Bị hôi miệng.
- Có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi chỗ chân răng.
Nếu để lâu dài dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn là viêm nha chu, nướu có thể kéo ra khỏi răng, bị tiêu xương và răng sẽ lung lay hoặc rụng.
Nguyên nhân gây viêm lợi chân răng
Theo các bác sĩ chuyên ngành răng hàm mặt tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Tp.HCM, viêm lợi chân răng hiện nay gồm 2 nguyên nhân chính gây nên:
Viêm lợi do mảng bám
Đây là nguyên nhân chiếm phần lớn trong số các ca bệnh viêm lợi chân răng. Viêm lợi chân răng do mảng bám bao gồm các tình trạng sau:
- Cần biết rằng vi khuẩn, bã thức ăn, nước bọt và chất nhầy của với canxi và muối phosphate sẽ lắng đọng thành mảng khoáng hóa. Vấn đề này xảy ra chủ yếu do vệ sinh răng miệng không tốt, tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ giữa lợi và răng, đi sâu quá rãnh lợi bình thường, tạo ra túi lợi chứa vi khuẩn có thể gây viêm lợi và sâu chân răng. Tuy nhiên, các yếu tố khác như sai khớp cắn, có cao răng, phục hình bị lỗi và khô miệng cũng đóng vai trò thứ yếu.
- Sự thay đổi hormone xảy ra ở tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, khi mãn kinh hoặc khi sử dụng các thuốc tránh thai đường uống (hoặc dạng tiêm) có thể làm viêm lợi chân răng bùng phát.
- Các bệnh rối loạn hệ thống (như tiểu đường, AIDS, bệnh bạch cầu, giảm bạch cầu, thiếu vitamin) cũng có thể khiến lợi bị viêm. Một số bệnh nhân mắc bệnh Crohn cũng dễ bị viêm lợi.
- Viêm lợi do mảng bám cũng do sử dụng các thuốc như cyclosporin và nifedipine hoặc bị thiếu nặng chất niacin (gây ra bệnh pellagra), chất vitamin C (gây bệnh scorbut).
- Việc tiếp xúc với kim loại nặng như chì, bismuth có thể dẫn đến bệnh viêm lợi và đường tối màu ở viền lợi.
Viêm lợi không do mảng bám
Trường hợp viêm lợi không do mảng bám thường rất hiếm gặp và chỉ xảy ra với một tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân là do phản ứng dị ứng, nhiễm vi khuẩn, virus và nấm, chấn thương. Các loại rối loạn như rối loạn niêm mạc dạ như lichen planus và pemphigoid, các rối loạn về di truyền như u xơ lợi di truyền cũng gây viêm lợi không do mảng bám.
Đối tượng dễ bị viêm lợi chân răng
Bệnh viêm lợi chân răng có nguy cơ bị mắc cao hơn rất nhiều ở những nhóm người sau đây:
- Phụ nữ trong thai kỳ.
- Phụ nữ trong thời kỳ có kinh nguyệt.
- Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
- Người lớn tuổi.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch do mắc một số bệnh như: suy giảm bạch cầu, HIV/AIDS,…
- Người thường xuyên phải sử dụng thuốc để điều trị bệnh.
- Người thường xuyên bị khô miệng.
- Người có một số bệnh nhiễm trùng do nấm.
- Người vừa trải qua phục hình răng.
- Người bị thiếu vitamin C, vitamin A, vitamin D, vitamin PP, vitamin B1, canxi, fluor.
- Người nghiện bia rượu, thuốc lá.
- Người ăn nhiều đồ ngọt, cay, ăn thức ăn nóng/lạnh đột ngột.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Viêm lợi chảy máu chân răng có xảy ra không?
Viêm lợi chảy máu chân răng sẽ rất dễ diễn ra, đặc biệt là khi tình trạng bệnh chuyển sang viêm nha chu vì khi này lợi đã trở nên nhạy cảm hơn.
Như đã nói ở trên, hầu hết nguyên nhân gây viêm lợi chân răng là do mảng bám. Tình trạng tình trạng viêm lợi chảy máu chân răng xảy ra do các mảng bám bao gồm mảnh vụn và vi khuẩn ở trên đường viền nướu quá lâu mà không được loại bỏ có thể cứng lại thành cao răng (vôi răng).
Ngoài ra, trong trường hợp khác, tình trạng nướu viêm sẽ khiến nướu bị căng phồng, đỏ tươi và dễ bị kích thích. Khi này viêm lợi chảy máu chân răng rất dễ xảy ra, về lâu dài sẽ làm tụt nướu làm chân răng lộ ra ngoài gây ê buốt, gây mất thẩm mỹ.
Cách phòng tránh bệnh viêm lợi chân răng
Ông bà ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chính vì thế, thay vì quá quan tâm viêm lợi chân răng là gì hay viêm lợi chảy máu chân răng, bạn cũng cần quan tâm cách phòng tránh căn bệnh này bằng các cách sau:
- Vệ sinh răng miệng tốt và đúng cách.
- Súc miệng nước muối 2 lần/ngày.
- Sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng.
- Ăn uống đầy đủ vitamin và dưỡng chất.
- Massage lợi nhẹ nhàng để loại bỏ đau răng và tăng cường lưu thông máu.
- Không hút thuốc lá và hạn chế dùng rượu bia.
- Đến nha khoa khám tổng quát mỗi 6 tháng.
Trên đây, nha khoa My Auris đã giúp bạn giải đáp một số thắc mắc về bệnh viêm lợi chân răng cũng như cách phòng bệnh hiệu quả. Bạn hãy nhớ lựa chọn nha khoa uy tín – như My Auris – để đến khám tổng quát tình trạng răng miệng nhé!
Phương Trang